Thông tin kết quả công tác điều tra, phá chuyên án cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Công ty luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại TP.HCM) do công an Tiền Giang thực hiện, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đây là thành công rất lớn, sự trưởng thành của cơ quan điều tra - công an tỉnh Tiền Giang, có sự phối hợp nhịp nhàng từ công an xã khi tiếp nhận nguồn tin tố giác của người dân.
Thông tin kết quả công tác điều tra, phá chuyên án cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Công ty luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại TP.HCM) do công an Tiền Giang thực hiện, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đây là thành công rất lớn, sự trưởng thành của cơ quan điều tra - công an tỉnh Tiền Giang, có sự phối hợp nhịp nhàng từ công an xã khi tiếp nhận nguồn tin tố giác của người dân.
Viện KSND tỉnh Tiền Giang đã kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, sửa một phần bản án sơ thẩm đã tuyên hồi tháng 8.2024 của TAND tỉnh Tiền Giang, theo hướng tăng hình phạt đối với 49/111 bị cáo trong vụ “cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Theo Viện KSND tỉnh Tiền Giang, sau khi xem xét tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đối chiếu với quy định của pháp luật, nhận thấy bản án sơ thẩm quy kết 111 bị cáo cùng về tội “cưỡng đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 170 bộ luật Hình sự, đồng thời tất cả 111 bị cáo đều phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức và phạm tội 2 lần trở lên theo điểm a, g khoản 2 Điều 52 bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của từng bị cáo, từ đó áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với 49 bị cáo là chưa tương xứng, chưa phân hóa từng bị cáo; chưa đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giáo dục, phòng ngừa chung cho xã hội.
Theo bản án sơ thẩm, 2 bị cáo Trần Văn Châu (cựu Phó giám đốc phụ trách điều hành Công ty Luật TNHH Pháp Việt), và Hồ Quốc Hùng (cựu Phó giám đốc nghiệp vụ Công ty Luật TNHH Pháp Việt) từng làm trong bộ phận xử lý nợ của các ngân hàng và công ty tài chính, nên biết rõ kể từ ngày 1.1.2021, loại hình dịch vụ đòi nợ đã bị luật Đầu tư năm 2020 đưa vào diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Nhưng từ ngày 1.1.2021 - 14.2.2023, Châu và Hùng vẫn lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật TNHH Pháp Việt có trụ sở Q.Tân Bình, Q.Tân Phú, TP.HCM để ký hợp đồng tham gia tố tụng theo quy định pháp luật, tư vấn pháp luật, thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý khác theo quy định pháp luật và đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật với 7 tổ chức tín dụng, qua đó đã tổ chức bộ máy hoạt động công ty.
Theo đó, Châu và Hùng đưa ra nhiều cách thức, chỉ đạo 20 trưởng nhóm và 579 nhân viên thuộc 20 nhóm dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần của 172.629 người vay, cưỡng đoạt số tiền hơn 447,5 tỉ đồng, được các đơn vị ký kết hợp đồng dịch vụ trả phí hơn 166 tỉ đồng.
Tháng 8.2024, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Châu 19 năm tù, Hùng 18 năm tù. 109 bị cáo còn lại từ 1 năm tù đến 13 năm tù.
Ngoài ra, HĐXX buộc Trần Văn Châu nộp hơn 15 tỉ đồng và Hồ Quốc Hùng nộp hơn 12 tỉ đồng, là số tiền bị cáo có được nhờ phạm tội. Các bị cáo còn lại phải trả lại toàn bộ số tiền hưởng lợi.
Theo hồ sơ vụ án, 2 bị cáo trên thuê luật sư Lê Thị Tuyết đứng tên làm giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Luật sư Lê Thị Tuyết hưởng lương 15 triệu đồng/tháng và không tham gia điều hành hoạt động của nhóm phạm tội do Châu và Hùng cầm đầu nên không bị xử lý hình sự.